Cần xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá phù hợp với Luật giá năm 2023

- Phát biểu ý kiến tại hội trường trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản ngày 28-11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016 theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế.

Đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 1 dự thảo Sửa đổi, bổ sung Điều 4 quy định về các trường hợp bán tài sản phải thông qua đấu giá có nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung này, vì tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng có những tài sản không thuộc các tài sản quy định tại điều này. Ngoài ra, quy định sẽ gây khó khăn, tốn thời gian, chi phí thậm chí gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng và tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng khi thời gian bán đấu giá bị kéo dài làm sụt giảm giá trị của tài sản bảo đảm.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà góp ý kiến vào dự thảo Luật.

Đối với dự thảo Luật bổ sung vào Khoản 1 Điều 9 hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên:“Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi”, bởi trong trường hợp đấu giá viên để lộ thông tin người tham gia đấu giá nhưng không có mục đích trục lợi cũng có thể khiến cho việc bán đấu giá tài sản không thực hiện được theo đúng quy định do có thể bị những người tham gia đấu giá lợi dụng thông tin này để cùng móc nối, thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch hồ sơ tham gia đấu giá, kết quả đấu giá tài sản.

Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa đổi nội dung này tại khoản 2 Điều này về hành vi bị nghiêm cấm đối với Tổ chức đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, tại điểm g khoản 1 Điều 24 Luật đấu giá tài sản quy định Tổ chức đấu giá tài sản có quyền: Xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán đấu giá tài sản theo quy định của Luật này.

Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 24 của dự thảo nội dung: Tổ chức đấu giá tài sản chịu trách nhiệm về giá khởi điểm trong trường hợp xác định giá theo uỷ quyền của người có tài sản nhằm đảm bảo gắn trách nhiệm của Tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện xác định giá khởi điểm và đảm bảo quyền lợi cho người có tài sản trong trường hợp này.

Đại biểu cũng cho biết, tại điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản quy định Tổ chức đấu giá tài sản có quyền: Xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán đấu giá tài sản theo quy định của Luật này. Do vậy, đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 24 của dự thảo nội dung: Tổ chức đấu giá tài sản chịu trách nhiệm về giá khởi điểm trong trường hợp xác định giá theo uỷ quyền của người có tài sản nhằm đảm bảo gắn trách nhiệm của Tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện xác định giá khởi điểm và đảm bảo quyền lợi cho người có tài sản trong trường hợp này.

Đại biểu đề nghị tăng số ngày thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá trước ngày mở cuộc đấu từ 1 ngày  lên ít nhất 2 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Để đảm bảo thông tin kịp thời đến người không đủ điều kiện tham gia đấu giá ở xa địa điểm tổ chức đấu giá tài sản.

Đồng thời bổ sung các quy định cụ thể vào quy định trách nhiệm của Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tại Điều 38 để đảm bảo không vướng mắc khi áp dụng luật. Ngoài ra, Tại khoản 15 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 43 nêu: “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì ngay tại buổi công bố giá, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá.

Đấu giá viên quyết định hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp”. Để đảm bảo quyền lợi của người có tài sản đấu giá, đại biểu đề nghị xem xét quy định Tổ chức đấu giá tài sản phải thống nhất trước với người có tài sản đấu giá này và nêu trong quy chế tổ chức đấu giá, hoặc thống nhất ý kiến với người có tài sản đấu giá tại buổi đấu giá đó nếu chưa được thoả thuận trước.

Đại biểu cũng đề nghị đơn vị soạn thảo rà soát nội dung về xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá phù hợp với Luật giá năm 2023, trong đó cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trong trường hợp người có tài sản đấu giá sử dụng dịch dụ thẩm định giá để xác định giá khởi điểm.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục